Khách sạn Phú Yên - Hoàng Kim Hotel

https://khachsanhoangkim.com


Đặc sắc bún bắp An Dân

Về Chí Thạnh (huyện Tuy An) thời gian gần đây, người ta thường kháo nhau về món ăn truyền thống độc đáo vùng quê đang được “hồi sinh”: Bún bắp An Dân.
Đặc sản bún bắp - Ảnh: TRẦN QUỚI

Đến quán cà phê Kent Bi (thị trấn Chí Thạnh), chúng ta sẽ được thưởng thức đúng chất món này. Bún bắp chỉ là nguyên liệu chính của món ăn, nếu kết hợp thêm nguyên liệu và cách chế biến sẽ tạo nên các món bún bắp hấp dẫn. Khô thì có bún bắp xào bò, bún bắp xào tim cật, bún bắp thịt nướng. Khách cũng có thể chọn các món nước: bún bắp giò heo, bún bắp chả cá… Đơn giản nhất là món bún bắp xào mỡ hẹ chấm với nước mắm “rin” dằm ớt hiểm ăn kèm rau sống cũng thấy khoái khẩu nhất đời.

Dù chế biến theo cách nào thì món bún bắp luôn làm thực khách “đói” ngay con mắt bởi màu vàng ươm tươi tắn của nó. Ăn miếng bún bắp hương vị khác xa bún gạo, một hương vị rất đặc trưng chỉ có ở bún bắp. Cọng bún to mềm, hơi bột, và thơm thoang thoảng mùi bắp tẻ (bắp đỏ). Nguyên liệu ấy kết hợp với gia vị, các nguyên liệu phối kèm khiến món bún bắp trở nên hấp dẫn, dinh dưỡng đến… khó cưỡng.

Anh Võ Tấn Quân, chủ quán cà phê, người góp công “hồi sinh” nghề làm bún bắp An Dân, cho biết bún bắp là món ngon đặc sản, nghề làm bún bắp từng một thời vang danh cả huyện Tuy An. Nhưng càng về sau, nghề này càng mai một bởi cách thức làm cọng bún quá công phu, hoàn toàn bằng thủ công dẫn đến giá thành cao... “Mê món bún bắp từ nhỏ, muốn giữ nghề truyền thống, hương vị đặc sắc của nó nên tôi quyết tâm học nghề và tìm cách “hồi sinh”, phát triển món bún bắp quê nhà”, anh Quân nói đầy tâm huyết.

Tìm hiểu thêm cách làm ra sợi bún bắp thì đúng là công phu thật. Trước tiên phải chọn bắp tẻ trồng ở đất thổ thì cọng bún mới có màu vàng tươi rực mắt. Hạt bắp được cho vào cối giã chung với mày cám để bóc phần mày trắng ở cuống (công đoạn này được giã bằng mô tơ điện). Khi bắp nát ra những hạt nhỏ (gạo bắp) được đem ra sàng sẩy loại bỏ cám mày, sau đó người ta mới đem “gạo bắp” ngâm nước chừng 30 phút. Gạo bắp được vớt ra đưa đi ủ 1 ngày đêm cho lên men chua rồi đem phơi ra nia cho ráo. Gạo bắp lên men được đem ngâm lại với nước cho mềm thêm và loại bỏ hết mùi chua mới cho vào cối quết thành bột. Bột bắp cho vào túi vải nén thành khối rồi cắt ra luộc lại chừng 15 phút trước khi quết nhuyễn lần cuối. Bột được nhồi lại với nước ấm, cho vào dụng cụ nặn đùn sợi, những sợi bún rơi vào nồi nước sôi nấu đến khi bún chín nổi lên mặt nước mới vớt ra bắt thành lọn…

Để có được mẻ bún bắp, người làm phải rất nhọc công, mất nhiều thời gian và công đoạn. Giá thành của nó cao gấp 3 lần bún gạo là vậy. Nhưng quan trọng là bún bắp giữ được sự tinh chế và còn mang cả yếu tố “hồn quê”. Điều này lý giải vì sao món bún bắp An Dân càng đặc sắc!

 

QUỲNH MAI

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây